Về Giải thưởng Cảng xanh
Chương trình Hệ thống Cảng Xanh (Green Port Award System - GPAS) là một hệ thống đánh giá xanh (với các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch…) dành cho các cảng trong khu vực APEC do Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN) phát triển. Nó thể hiện một phần không thể thiếu trong những nỗ lực không ngừng của APSN nhằm thúc đẩy sự phát triển Cảng xanh của ngành cảng APEC. Lấy cảm hứng từ Ecoports ở Châu Âu và Green Marine ở Bắc Mỹ, GPAS được thiết kế như một hệ thống đánh giá, được phát triển khác với Ecoports và Green Marine để phù hợp với tất cả các cảng trong khu vực APEC. Kể từ năm 2011, APSN đã tiến hành hai vòng thử nghiệm các chương trình để kiểm tra kế hoạch đánh giá, lập Kế hoạch thực hiện và thành lập Tổ chuyên gia cảng để đánh giá các Hồ sơ năng lực ứng dụng các tiêu chí Cảng xanh của các ứng viên. Năm 2016, GPAS chính thức ra mắt. Các ứng viên cho GPAS có thể là nhà khai thác cảng hoặc chính Quyền Cảng - các công ty và tổ chức đang triển khai các chương trình xanh để cải thiện tính bền vững môi trường trong hoạt động của họ trong ba năm trở lại đây.
Mục tiêu của GPAS là khuyến khích sự phát triển xanh và bền vững trong các ngành cảng và liên quan đến Cảng. Đặc biệt, nó nhằm mục đích cung cấp một nền tảng để chia sẻ các thực tiễn tốt nhất giữa các cảng trong khu vực APEC, để nâng cao hồ sơ của các cảng cam kết sẽ thực hiện các chương trình đảm bảo phát triển Cảng xanh và nâng cao năng lực phát triển bền vững. (Tham khảo Danh sách các cảng đạt giải thưởng cảng xanh như dưới)
TCIT đạt giải thưởng Cảng xanh 2020 của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN)
Giải thưởng Cảng xanh là ghi nhận của Cộng đồng Cảng APEC về những nỗ lực của Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên TCIT những năm vừa qua trong phát triển cảng và bảo vệ môi trường bền vững. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, dưới tầm nhìn, định hướng và chiến lược phát triển đúng đắn của TCT Tân Cảng Sài Gòn cùng các đối tác liên doanh (bao gồm: hãng tàu Mitsui O.S.K. Lines của Nhật Bản, hãng tàu Hanjin Shipping hiện là Công ty Hanjin Transportation của Hàn Quốc, cùng hãng tàu Wan Hai Lines của Đài Loan), Cảng đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hoàn toàn được hoạt động bằng điện như cẩu bờ, cẩu bãi, giúp giảm thiểu lượng khí thải CO2 thay vì thiết bị hoạt động bằng dầu diesel. Thêm vào đó, TCIT luôn không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng hài để đảm bảo hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ để làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi. Không ngừng nâng cao năng suất giải phóng tàu, TCIT không những giúp cho khách hàng tiết kiệm chi phí, thời gian nằm chờ tại cảng mà còn giảm thiểu tác động xấu đến với môi trường. Bên cạnh đó, TCIT còn áp dụng các biện pháp nhằm giảm tiếng ồn, giảm bụi trong không khí, các yếu tố bức xạ và trồng cây dọc các tuyến đường nội bộ nhằm tạo cảnh quan cho Cảng đồng thời cải thiện môi trường không khí xung quanh; đầu tư các hệ thống thu gom và xử lý nước thải, thu gom, tái chế và xử lý rác thải rắn, rác thải độc hại. Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của yếu tố con người trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, TCIT luôn chú trọng các chương trình đào tạo cán bộ công nhân viên về công tác an toàn, sản xuất và sinh hoạt đi đôi với việc bảo vệ môi trường cũng như tổ chức nhiều chương trình chung tay hành động bảo vệ mội trường xanh, sạch, đẹp.
Giải thưởng Cảng xanh là dấu ấn khích lệ đối với hệ thống cảng Việt Nam nói chung và TCIT nói riêng khi tiếp tục nhận được sự công nhận của các tổ chức uy tín quốc tế, đi đầu trong phong trào và mục tiêu phát triển hệ thống “Cảng xanh”. Đó cũng là định hướng của Chính phủ về việc nghiên cứu và áp dụng mô hình phát triển, khai thác cảng biển "xanh hóa", cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế của các cảng trên thế giới cũng như tại Việt Nam (Tham khảo: Quyết định số 2027/QĐ-BGTVT phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam, ký ngày 22/10/2020 bởi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công). Trên chặng đường 10 năm chính thức đi vào hoạt động (15/01/2011 – 15/01/2021), cùng với những thành tựu đạt được, Giải thưởng Cảng xanh 2020 vừa là nguồn cổ vũ và động viên đối với cán bộ công nhân viên Cảng TCIT - một thành viên của TCT TCSG, nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam, đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu nhiệm vụ của việc đảm bảo cam kết phát triển cảng xanh bền vững, lan tỏa mô hình “Cảng xanh” thân thiện với môi trường trong thời gian sắp tới.
Các cảng đã đạt giải thưởng Cảng xanh:
· Năm 2019
1. Laem Chabang Port (Thailand)
2. Lianyungang Xin Su Gang Terminal (China)
3. Port of Taichung (Chinese Taipei)
4. Qingdao New Qianwan Container Terminal (China)
5. Sapangar Bay Container Port (Malaysia)
6. Terminal Internacional del Sur S.A (TISUR) (Peru)
7. Terminal Portuario PERU LNG Melchorita (Peru)
· Năm 2018
1. Bangkok Port, Port Authority of Thailand (Thailand)
2. Jurong Port Pte Ltd (Singapore)
3. Port of Singapore (MPA, Singapore)
4. Xiamen Hairun Container Terminal (China)
5. Kai Tak Cruise Terminal (Hong Kong, China)
6. Port of Cagayan de Oro (The Philippines)
7. Xiamen Ocean Gate Container Terminal (China)
8. Port of Taipei (Chinese Taipei)
9. Shanghai International Port(Group) Co., Ltd. Shangdong Branch (China)
· Năm 2017
1. Bintulu Port(Malaysia)
2. Chiwan Container Terminal Co., Ltd (China)
3. Johor Port Authority (Malaysia)
4. Port of Batangas (Philippines)
5. PSA Singapore (Singapore)
6. Shekou Container Terminals Ltd (China)
7. Tan Cang Cat Lai Port (Viet Nam)
· Năm 2016
1. Bangkok Port - Thailand;
2. Jurong Port - Singapore;
3. Ningbo Zhoushan Port, China;
4. Port Klang, Malaysia;
5. Port of Singapore;
6. Tanjung Pelepas Port, Malaysia;
Qinhuangdao Port – China (branch No.6 of China)