15.615 TEU – CẢNG QUỐC TẾ TÂN CẢNG – CÁI MÉP THIẾT LẬP KỶ LỤC MỚI VỀ SẢN LƯỢNG XẾP DỠ TÀU MẸ TẠI VIỆT NAM

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 ngày, mức kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ tại TCIT đã liên tục được thiết lập, từ 14.235 TEU trên con tàu MEISHAN BRIDGE vào 10/6/2021 mới đây và vừa bị “soán ngôi” bởi mức 15.615 TEU trên tàu MONACO BRIDGE vào lúc 09:00 ngày 19/6/2021.

Chỉ trong vòng chưa đầy 7 ngày, mức kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ tại TCIT đã liên tục được thiết lập, từ 14.235 TEU trên con tàu MEISHAN BRIDGE vào 10/6/2021 mới đây và vừa bị “soán ngôi” bởi mức 15.615 TEU trên tàu MONACO BRIDGE vào lúc 09:00 ngày 19/6/2021. Đây cũng là mức sản lượng xếp dỡ trên một tàu mẹ cao nhất của Việt Nam từ trước đến nay, liên tục khẳng định, nâng tầm vị thế của ngành cảng biển Việt Nam nói chung và khu vực cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải cũng như cảng TCIT nói riêng.

 

Hình 1: 15.615 TEU - Kỷ lục mới về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ tại Việt Nam được cảng TCIT thiết lập trên tàu MONACO BRIDGE

Trong một thập kỷ trở lại đây, ngành cảng biển Việt Nam và thế giới không ngừng nâng cao năng lực nhằm đáp ứng xu thế gia tăng cỡ tàu của ngành vận tải biển và nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển ngày một tăng cao, đặc biệt là vai trò của đội tàu với cỡ tàu từ 12.500 TEU (chiếm khoảng 30% đội tàu hiện tại trên thế giới, 77% đội tàu đang được đóng mới, và tổng cộng 36% đội tàu trong tương lai). Tàu MONACO BRIDGE và MADRID BRIDGE là hai tàu thuộc hãng tàu Ocean Network Express (ONE) trong đội tàu có sức chở 14.000 TEU, chiều dài 366 mét được khai thác trên tuyến dịch vụ EC4 thuộc liên minh THE (bao gồm các hãng tàu ONE, Hapag-Lloyd, Yang Ming và HMM), kết nối Việt Nam đi bờ Đông nước Mỹ. Liên tục bứt phá và thiết lập các kỷ lục về sản lượng xếp dỡ trên tàu mẹ, cảng TCIT một lần nữa đã chứng minh năng lực của cảng container nước sâu lớn nhất Việt Nam, đồng thời là minh chứng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam.

 


Hình 2: Các mốc kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ liên tục được thiết lập tại cảng TCIT

Mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế và đời sống xã hội do đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế - xã hội ổn định, đặc biệt tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Theo số liệu VPA, trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thông qua khu vực Cái Mép – Thị Vải đạt 2,3 triệu TEU, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng container xuất nhập khẩu Mỹ đạt gần 1,3 triệu TEU, tăng 35% so với cùng kỳ, liên tục là nhóm cảng biển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới, với mức tăng khoảng 22%/năm.

 

Hình 3: Sản lượng container tại cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải từ 2018 - 05/2021

Trong 6 tháng đầu năm 2021, TCIT đã nỗ lực rất lớn nhằm đảm bảo sản xuất thông suốt, không để ảnh hưởng bởi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời mang đến những dịch vụ chuyên nghiệp, chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Với vai trò quan trọng trong nền kinh tế của cả nước - cửa ngõ thông thương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TCIT luôn nghiêm túc thực hiện chủ trương “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Ông Akira Kurita – Tổng giám đốc cảng TCIT cho biết, sản lượng thông qua 6 tháng đầu năm của TCIT dự kiến đạt 1,1 triệu TEU, tăng 13 % so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 42% thị phần khu vực cảng container nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Hơn thế nữa, cảng TCIT tiếp tục được các hãng tàu tin tưởng lựa chọn là đối tác tin cậy để phát triển mở rộng thị trường tại Việt Nam, cụ thể là trong 6 tháng đầu năm 2021, TCIT đã tiếp nhận thêm 3 tuyến dịch vụ mới: AA3, AA7 (kết nối Việt Nam – Mỹ) và CI8 (kết nối Việt Nam – Tây Ấn Độ) của hãng tàu Wan Hai, nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế tại TCIT lên 11 tuyến, trong đó có 7 tuyến kết nối với Bắc Mỹ, 1 tuyến kết nối với Mỹ-Canada, 1 tuyến châu Âu và 2 tuyến Nội Á.

Trong thời gian tới, nhằm đáp ứng xu hướng của thị trường và nhu cầu của khách hàng, cảng TCIT sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác, tăng tốc đầu tư các trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng sức cạnh tranh, đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như để đáp lại sự tin tưởng của các hãng tàu, khách hàng khi tiếp tục chọn TCIT - điểm đến tin cậy về chất lượng dịch vụ cũng như năng lực tiếp nhận những tuyến dịch vụ với sản lượng lớn nhất Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế cảng nước sâu lớn nhất cả nước.