CẢNG QUỐC TẾ TÂN CẢNG – CÁI MÉP ĐÓN TUYẾN DỊCH VỤ VTI DO HÃNG TÀU INTERASIA KHAI THÁC – ĐA DẠNG KẾT NỐI NỘI Á, TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC GIAO THƯƠNG

Thứ sáu, 02/05/2025

Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 2 tháng 5 năm 2025 – Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) chính thức đón chuyến tàu đầu tiên thuộc tuyến dịch vụ VTI do hãng tàu Interasia (IAL) khai thác.

Tuyến VTI được thiết lập nhằm tăng cường kết nối thương mại giữa Việt Nam và các đối tác khu vực Nam Á và Đông Nam Á, như Thái Lan và Ấn Độ, với hải trình: Laem Chabang – TCIT - Port Klang – Nhava Sheva – Mundra – Port Klang  – TCIT, vận hành theo lịch cố định hàng tuần, với đội tàu có sức chở từ 2.600 đến 3.000 TEU.


 
Chuyến tàu đầu tiên INTERASIA ELEVATE với sản lượng 2.782 TEU được xếp dỡ thành công

Ấn Độ và Thái Lan hiện là hai đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực châu Á. Ấn Độ đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là nguồn cung nguyên liệu và thị trường tiêu thụ tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt trong các ngành dệt may, hóa chất, nông sản và thiết bị công nghiệp. Trong khi đó, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN (chiếm 24% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN năm 2024), với kim ngạch song phương không ngừng tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử và nông sản chế biến. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp hiện nay, sự phát huy mạnh mẽ truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn để cùng nhau vươn tới các mục tiêu chiến lược mới.


Ban lãnh đạo Cảng TCIT trao quà chúc mừng cho thuyền trưởng, thủy thủ tàu INTERASIA ELEVATE

Việc lựa chọn TCIT làm điểm đến của tuyến VTI tại Việt Nam góp phần mở rộng mạng lưới vận tải biển kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và hai nền kinh tế đang phát triển năng động này. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa mạng lưới kết nối quốc tế tại TCIT cũng như khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải, không chỉ mở rộng thêm lựa chọn dịch vụ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực, mà còn nâng cao tính linh hoạt trong vận hành chuỗi cung ứng, đặc biệt là mở rộng khả năng kết nối nội Á – một khu vực đang nổi lên mạnh mẽ trong bản đồ thương mại toàn cầu.